1. Chính thức bỏ chế độ biên chế suốt đời với viên chức từ 01/7/2020
Ngày 25/11/2019, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức. Luật này sẽ có hiệu lực từ ngày 01/7 tới đây.
Theo đó, chính thức bỏ “chế độ biên chế suốt đời” đối với viên chức. Cụ thể, hợp đồng không xác định thời hạn hay thường gọi là“chế độ biên chế suốt đời” chỉ còn được áp dụng với 03 trường hợp:
- Thứ nhất, viên chức được tuyển dụng trước ngày 01/7/2020;
- Thứ hai, cán bộ, công chức chuyển thành viên chức;
- Và thứ ba, người được tuyển dụng làm viên chức làm việc tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
2. Nâng chuẩn trình độ đối với giáo viên
Tại kỳ họp thứ 7, ngày 14/6/2019, Quốc hội khóa XIV chính thức thông qua Luật Giáo dục 2019. Luật có hiệu lực từ ngày 01/7/2020.
Điều đáng chú ý tại Luật này, hầu hết các giáo viên ở các cấp học đều phải nâng chuẩn trình độ. Theo đó:
- Giáo viên mầm non phải có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên;
- Giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông phải có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên;
- Giảng viên đại học tối thiểu phải có bằng thạc sĩ.
Việc nâng chuẩn trình độ đối với những giáo viên nêu trên sẽ được thực hiện theo lộ trình.
3. Chỉ 3 trường hợp được điều chỉnh biên chế công chức
Theo Nghị định số 62 ngày 01/6/2020 và có hiệu lực từ ngày 20/7/2020 của Chính phủ về vị trí việc làm và biên chế công chức, việc điều chỉnh biên chế công chức trong cơ quan, tổ chức chỉ được xem xét trong 03 trường hợp:
1. Cơ quan, tổ chức thay đổi vị trí việc làm và khối lượng công việc của từng vị trí việc làm; thực tế việc sử dụng biên chế công chức được giao...
2. Thành lập, tổ chức lại, giải thể cơ quan, tổ chức theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
3. Thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp huyện.
4. Có Căn cước công dân sẽ được cấp hộ chiếu ở bất cứ đâu
Khoản 3 Điều 15 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam có hiệu lực từ ngày 01/7/2020 có nêu:
Người có thẻ Căn cước công dân đề nghị cấp hộ chiếu lần đầu thực hiện tại cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi thuận lợi.
Như vâỵ, từ ngày 01/7 tới đây, người có thẻ Căn cước công dân đề nghị cấp hộ chiếu lần đầu được lựa chọn nơi cấp hộ chiếu sao cho thuận lợi, thay vì phải thực hiện ở nơi thường trú hoặc nơi tạm trú như hiện nay.
5. Tăng mức giảm trừ gia cảnh thuế thu nhập cá nhân lên 11 triệu đồng/tháng
Ngày 02/6/2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 954 điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh thuế thu nhập cá nhân. Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 01/7/2020 và áp dụng từ kỳ tính thuế năm 2020.
Theo đó, mức giảm trừ gia cảnh quy định tại Luật Thuế thu nhập cá nhân được điều chỉnh như sau:
- Mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng (tương đương 132 triệu đồng/năm);
- Mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng.
6. Doanh nghiệp được đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp với mức thấp hơn
Đây là nội dung đáng chú ý tại Nghị định số 58/2020/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 27/5/2020 và có hiệu lực từ ngày 15/7/2020.
Hiện nay, hàng tháng, người sử dụng lao động phải đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp với mức 0,5% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động.
Song tới đây, người sử dụng lao động sẽ được đề xuất mức đóng giảm xuống còn 0,3% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội nếu đáp ứng được các điều kiện theo quy định.
7. Thêm giấy tờ có thể thay thế trong hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp
Nghị định 61/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 28/2015/NĐ-CP về bảo hiểm thất nghiệp sẽ có hiệu lực từ ngày 15/7 tới đây.
Nghị định này đã bổ sung thêm 03 loại giấy tờ có thể sử dụng trong hồ sơ đề nghị hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Đó là:
- Xác nhận của người sử dụng lao động trong đó có thông tin của người lao động; loại hợp đồng lao động đã ký; lý do, thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động.
- Xác nhận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về việc doanh nghiệp, hợp tác xã giải thể, phá sản hoặc quyết định bãi nhiệm, miễn nhiệm, cách chức đối với các chức danh được bổ nhiệm trong trường hợp người lao động là người quản lý doanh nghiệp, quản lý hợp tác xã;
- Văn bản xác nhận của Sở Kế hoạch và Đầu tư về việc người lao động không có giấy tờ xác nhận về việc chấm dứt hợp đồng lao động do đơn vị sử dụng lao động không có người đại diện theo pháp luật.
8. Giảm số lượng Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương có hiệu lực từ ngày 01/7/2020 có khá nhiều điểm mới.
Và một trong những điểm đáng chú ý là quy định về việc giảm số lượng Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.
Theo đó, với thành phố trực thuộc trung ương có từ 01 triệu dân trở xuống thì hội đồng nhân dân được bầu 50 đại biểu; có trên 01 triệu dân thì có không quá 85 đại biểu.
Với quận có từ 100.000 dân trở xuống thì hội đồng dân nhân được bầu 20 đại biểu; có trên 100.000 dân thì được bầu tối đa 45 đại biểu...
9. Mở rộng quyền lợi của người nộp thuế
Ngày 01/7/2020 tới đây, khi Luật Quản lý thuế chính thức có hiệu lực, quyền lợi của người nộp thuế càng được đảm bảo hơn nữa. Đơn cử như:
- Được nhận văn bản liên quan đến nghĩa vụ thuế của các cơ quan chức năng khi tiến hành thanh tra, kiểm tra, kiểm toán.
- Được biết thời hạn giải quyết hoàn thuế, số tiền thuế không được hoàn và căn cứ pháp lý đối với số tiền thuế không được hoàn.
10. Thêm nhiều trường hợp tạm hoãn nghĩa vụ dân quân tự vệ
Cũng tại kỳ họp thứ 8, ngày 22/11/2019, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Dân quân tự vệ. Luật này có hiệu lực từ ngày 01/7/2020.
So với hiện nay, khi Luật này được áp dụng, sẽ có thêm nhiều trường hợp được tạm hoãn nghĩa vụ dân quân tự vệ. Có thể kể đến:
- Nam giới một mình nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi;
- Người có chồng hoặc vợ là công chức, viên chức, công nhân quốc phòng đang phục vụ trong quân đội, công an;
- Lao động chính duy nhất trong hộ cận nghèo...
11. Độ tuổi quân nhân dự bị trong thời bình cao nhất lên đến 45 tuổi
Luật Lực lượng dự bị động viên được Quốc hội khóa XIV thông qua vào ngày 26/11/2019 và có hiệu lực từ ngày 01/7/2020, thay thế Pháp lệnh Lực lượng Dự bị động viên năm 1996.
Luật này quy định cụ thể về độ tuổi của quân nhân dự bị trong thời bình. Theo đó, độ tuổi quân nhân chuyên nghiệp dự bị và hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị sắp xếp vào đơn vị dự bị động viên như sau:
- Đối với đơn vị chiến đấu: Nam quân nhân chuyên nghiệp dự bị không quá 40 tuổi; hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị không quá 35 tuổi;
- Đối với đơn vị bảo đảm chiến đấu: Nam quân nhân chuyên nghiệp dự bị và hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị không quá 45 tuổi.
12. Người nước ngoài đã có thể chuyển đổi mục đích của thị thực
Để phù hợp với tình hình thực tế, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Điểm đáng chú ý của Luật này ở chỗ, nếu như trước đây, thị thực không được chuyển đổi mục đích thì khi Luật này có hiệu lực, tức từ 01/7/2020, người nước ngoài đã được cho phép chuyển đổi mục đích thị thực trong một số trường hợp cụ thể.
Khi đó, thị thực mới sẽ có ký hiệu, thời hạn phù hợp với mục đích được chuyển đổi.
13. 21/4 là Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam
Ngày 21/11/2019, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội thông qua Luật Thư viện thay thế cho Pháp lệnh Thư viện năm 2000.
Luật này đã chính thức đưa ngày 21/4 hàng năm là Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam nhằm phát triển văn hóa đọc và từng bước hình thành thói quen đọc sách trong gia đình, trường học, cơ quan, tổ chức trên phạm vi cả nước.
14. Kiểm toán Nhà nước được quyền xử phạt hành chính
Đây là một trong những nội dung mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước được Quốc hội thông qua ngày 26/11/2019 và có hiệu lực từ ngày 01/7/2020.
Cụ thể, tại Điều 11, Luật đã bổ sung thêm quyền hạn của Kiểm toán Nhà nước. Theo đó, Kiểm toán Nhà nước được xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán Nhà nước theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính
15. Bí mật nhà nước được bảo mật đến 30 năm
Ngày 15/11/2018, Quốc hội thông qua Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước. Luật này sẽ có hiệu lực từ ngày 01/7/2020.
Bí mật nhà nước được phân thành 03 mức độ: Tuyệt mật, Tối mật và Mật. Thời gian bảo vệ bí mật Nhà nước là khoảng thời gian được tính từ ngày xác định độ mật của bí mật Nhà nước đến:
- 30 năm với bí mật Nhà nước độ Tuyệt mật;
- 20 năm với bí mật Nhà nước độ Tối mật;
- 10 năm với bí mật Nhà nước độ Mật…
16. Chứng chỉ hành nghề kiến trúc có thời hạn 10 năm
Theo Điều 27 Luật Kiến trúc 2019 có hiệu lực từ 01/7/2020, chứng chỉ hành nghề kiến trúc có thời hạn 10 năm và được sử dụng trong phạm vi cả nước. Chứng chỉ này chỉ được cấp cho người đáp ứng đủ 03 điều kiện:
1. Có trình độ đại học trở lên về lĩnh vực kiến trúc;
2. Có kinh nghiệm tham gia thực hiện dịch vụ kiến trúc tối thiểu 03 năm tại tổ chức hành nghề kiến trúc hoặc hợp tác với kiến trúc sư hành nghề với tư cách cá nhân;
3. Đạt yêu cầu sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc.