Những quy định mới có hiệu lực từ ngày 1/7/2017

Thứ Thu,
03/09/2020
Đăng bởi Admin

Tăng lương cơ sở từ ngày 1/7/201

Nghị định 47 của Chính phủ quy định mức lương cơ sở năm 2017, áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang… sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2017.

Theo đó, mức lương cơ sở sẽ tăng từ mức 1.210.000 đồng/tháng lên 1.300.000 đồng/tháng. Như vậy, mức lương cơ sở sẽ tăng 90.000 đồng/ tháng so với hiện nay.

Có 9 nhóm đối tượng được xếp hưởng mức lương, phụ cấp theo Nghị định này.

Cụ thể, lương cơ sở sẽ áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức, người hưởng lương, phụ cấp và người lao động làm việc trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội và hội được ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động ở Trung ương, ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương (cấp huyện), ở xã, phường, thị trấn (cấp xã), ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt và lực lượng vũ trang.

Mức lương cơ sở được dùng làm căn cứ tính mức lương trong các bảng lương, mức phụ cấp và thực hiện các chế độ khác; tính mức hoạt động phí, sinh hoạt phí theo quy định của pháp luật; tính các khoản trích và các chế độ được hưởng theo mức lương cơ sở.

Nghị định nêu rõ, mức lương cơ sở được điều chỉnh trên cơ sở khả năng ngân sách nhà nước, chỉ số giá tiêu dùng và tốc độ tăng trưởng kinh tế của đất nước.

Tháng 2/2017, tại hội thảo về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước do đoàn giám sát của QH tổ chức, ông Nguyễn Văn Tùng, Vụ trưởng Vụ Tổ chức điều lệ, Ban Tổ chức TƯ cho biết, tính đến tháng 10/2016, tổng số người hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách nhà nước của các tổ chức trong hệ thống chính trị là 3.734.302 người.

Hướng dẫn cách tính lương cán bộ, công chức theo mức lương cơ sở mới


Hướng dẫn tính lương cán bộ, công chức theo mức lương cơ sở mới(Ảnh: Tinmoi24.vn)

Hướng dẫn tính lương cán bộ, công chức theo mức lương cơ sở mới(Ảnh: Tinmoi24.vn)

Để thuận tiện trong việc thực hiện mức lương cơ sở mới với các đối tượng hưởng lương, phụ cấp trong các cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập của đảng, nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội và hội nên Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư 02/2017/TT-BNV (có hiệu lực từ ngày 01/7/2017).

Theo đó, hướng dẫn chi tiết cách tính mức lương, phụ cấp và hoạt động phí đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động; đại biểu Hội đồng nhân dân; những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố…

Tăng công tác phí cho công chức, viên chức

Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 40/2017/TT-BTC quy định chế độ công tác phí, chế độ chi hội nghị. Theo đó các mức chi cho chế độ đi công tác của cán bộ, công chức, viên chức đều được điều chỉnh tăng.

Thông tư số 40/2017/TT-BTC được Bộ Tài chính ban hành ngày 28/4/2017 quy định, ngoài tiền lương do cơ quan, đơn vị cử người đi công tác chi trả, người đi công tác sẽ được hỗ trợ thêm phụ cấp lưu trú với mức 200 nghìn đồng/ngày; thời gian hưởng được tính từ ngày bắt đầu đi công tác đến khi kết thúc đợt công tác trở về cơ quan, đơn vị (bao gồm thời gian đi trên đường, thời gian lưu trú tại nơi đến công tác).

Theo Thông tư số 40/2017/TT-BTC, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động được cơ quan, đơn vị cử đi công tác khi phát sinh việc thuê phòng nghỉ nơi đến công tác thì được thanh toán tiền thuê phòng nghỉ theo theo hình thức khoán hoặc thanh toán theo hóa đơn thực tế; trường hợp người đi công tác được cơ quan, đơn vị nơi đến công tác bố trí phòng nghỉ không phải trả tiền, thì người đi công tác không được thanh toán tiền thuê phòng nghỉ.

Phân bổ lại thời gian làm việc của giáo viên dạy nghề

Đây là quy định đáng chú ý tại Thông tư 07/2017/TT-BLĐTBXH về chế độ làm việc của nhà giáo giáo dục nghề nghiệp.

Theo đó, thời gian làm việc của nhà giáo dạy cao đẳng/trung cấp nghề giữ nguyên là 44 tuần/năm theo chế độ tuần làm việc 40 giờ, tuy nhiên phân bổ lại thời gian làm việc cụ thể như sau:

- Thực hiện công tác giảng dạy/giáo dục học viên/học sinh/sinh viên:

+ 32 tuần đối với nhà giáo dạy trình độ cao đẳng;

+ 36 tuần đối với nhà giáo dạy trình độ trung cấp.

- Học tập, bồi dưỡng chuẩn hóa/nâng cao, nghiên cứu khoa học:

+ 08 tuần đối với nhà giáo dạy trình độ cao đẳng thay vì 12 tuần như trước đây;

+ 04 tuần đối với nhà giáo dạy trình độ trung cấp thay vì 08 tuần như trước đây.

- Thực tập tại doanh nghiệp/cơ quan chuyên môn: 04 tuần.

Trường hợp không sử dụng hết thời gian học tập, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học thì được quy đổi thời gian còn lại chuyển sang công tác giảng dạy hoặc thực hiện các nhiệm vụ khác do Hiệu trưởng/Giám đốc giao.

Thông tư này bãi bỏ Mục II Thông tư 09/2008/TT-BLĐTBXH ngày 27/6/2008 và Chương III Thông tư 40/2015/TT-BLĐTBXH ngày 20/10/2015.

Hướng dẫn mới về tỷ lệ hoa hồng đại lý bảo hiểm

Đây là nội dung nổi bật được quy định tại Thông tư 50/2017/TT-BTC hướng dẫn Nghị định 73/2016/NĐ-CP quy định chi tiết Luật kinh doanh bảo hiểm 2000 và Luật kinh doanh bảo hiểm sửa đổi 2010. Theo đó:

Các doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài trả cho đại lý bảo hiểm tỷ lệ hoa hồng tối đa dựa trên phí bảo hiểm thực tế thu được của từng hợp đồng.

Tỷ lệ hoa hồng tối đa của một số nghiệp vụ bảo hiểm phổ biến:

- Bảo hiểm phi nhân thọ:

+ Bảo hiểm tài sản và bảo hiểm thiệt hại: 5%

+ Bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe mô tô, xe máy: 20%

Đối với hợp đồng bảo hiểm trọn gói hoa hồng được tính bằng tổng số hoa hồng của từng nghiệp vụ được bảo hiểm.

- Bảo hiểm nhân thọ nộp phí 01 lần:

+ Bảo hiểm tử kỳ: 15%

+ Bảo hiểm sinh kỳ: 5%

Đối với hợp đồng bảo hiểm nhân thọ nhóm thì tỷ lệ hoa hồng tối đa bằng 50% các tỷ lệ tương ứng áp dụng cho hợp đồng bảo hiểm nhân thọ cá nhân cùng loại.

- Các hợp đồng bảo hiểm sức khỏe: 20%.